Trong văn hoá của người Nhật, cá chép Koi là hình tượng gắn kết với truyền thuyết “Vượt Vũ môn hóa rồng”, thể hiện khát vọng, tinh thần dũng cảm, sự kiên trì, sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Hình ảnh cá chép góp mặt trong nhiều nét văn hoá của xứ sở Phù Tang như thẩm mỹ, văn hoá, ẩm thực, lễ hội,…
★ Nguồn gốc của cá chép Koi
Nguồn gốc của cá chép Koi xuất phát từ người Trung Quốc đưa tới nước Nhật. Đầu tiên, chúng chỉ là cá chép thông thường rồi được chọn lọc, lai tạo, thuần dưỡng để tạo nên giống cá chép có nhiều sắc màu với khoảng hơn 100 chủng loại như ngày nay chúng ta biết đến.
Cá chép Koi - hình tượng quốc ngư của Nhật Bản
★ Tên gọi và phân loại
Loại cá chép này thường được gọi với cái tên Nishikigoi nghĩa là “cá chép có nhiều màu sắc”, song cái tên được nhiều người biết đến nhất vẫn là KOI.
Các màu sắc chính của cá chép Koi là: trắng, đỏ, vàng, đen, xám bạc. Sự khác nhau của màu sắc, hình dáng,… của cá sẽ hình thành nên tên gọi tương ứng như: Showa, Utsuri, Kohaku, Sanke,…
Cá chép Koi thường phân thành 2 loại:
✓ Koi chuẩn: Hình dáng của chúng vẫn giống cá nguyên thuỷ nhưng khác biệt là
chúng được pha trộn nhiều màu sắc, hoa văn trở nên đẹp hơn. Khi được nuôi ở ao chúng sẽ có điều kiện phát triển tốt nhất.
✓ Koi bướm: Loại này có điểm khác với cá nguyên thuỷ là chúng có vây, đuôi dài nên lúc bơi tạo nên hình ảnh rất đẹp, uyển chuyển. Loại cá này thích hợp nhất khi được nuôi làm cảnh ở trong hồ.
★ Truyền thuyết “Cá chép vượt vũ môn hoá rồng”
Theo truyền thuyết, ngày xưa có hàng ngàn con cá chép Koi bơi ngược dòng sông Hoàng Hà và tạo thành một sức mạnh lớn lao đảo ngược cả dòng nước xiết. Thế nhưng, trên con sông này xuất hiện một dòng thác lớn có tên gọi Vũ Môn. Hầu như lần lượt các con cá chép đều đầu hàng, không thể vượt qua.
Chỉ còn rất ít những con cá nhẫn nại cố gắng vượt qua dòng thác dữ. Trong số đó, cuối cùng chỉ sót lại một chú các chép Koi vượt lên được tới tận đỉnh thác. Để tưởng thưởng cho nỗ lực cho chú cá chép đó, các vị thần đã biến chú thành một con rồng vàng dũng mãnh.
Từ đó về sau, lưu truyền truyết thuyết rằng chú cá chép Koi nào vượt được Vũ Môn đều được hoá thành rồng.
Câu chuyện này đã gắn hình ảnh cá chép Koi với văn hoá, tín ngưỡng của người Nhật Bản thể hiện khát vọng, niềm tin, sự kiên trì vượt qua khó khăn.
Người dân nước Nhật còn lưu truyền rằng cá chép Koi nếu bị mổ thịt thì dù con dao có kề tận cổ cũng không khiến chúng sợ hãi, hoảng hốt mà bình thản đón nhận. Điều đó, thể hiện sự dũng cảm đúng như tinh thần của võ sĩ Samurai khi chiến đấu trước kẻ thù và phải đối mặt với cái chết.
Cá chép Koi trong văn hoá Nhật Bản
★ Ý nghĩa hình tượng cá chép Koi đối với văn hoá Nhật Bản
Với những ý nghĩa giàu tính nhân văn như vậy nên hình ảnh cá chép Koi xuất hiện rất nhiều trong văn hoá, lễ hội, hội hoạ, kiến trúc, thẩm mỹ, ẩm thực,… của nước Nhật. Gắn liền với truyền thuyết “Vượt Vũ Môn hoá rồng” nên hình ảnh cá chép Koi biểu hiện cho khát vọng, sự can trường, dũng cảm, vượt thoát mọi khó khăn.
★ Lễ hội Koinobori – Lễ hội của các bé trai Nhật Bản
Lễ hội của các bé trai diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm, đặc biệt dành cho các bé trai. Vào ngày hội này, tất cả các gia đình đều treo cờ hình cá chép tạo nên những sắc màu rực rỡ trên khắp mọi đường phố. Hình tượng cá chép Koi thể hiện ước vọng các bé trai lớn lên khoẻ mạnh, can trường giống như chú cá chép vượt Vũ Môn.