Hinamatsuri – Lễ hội hoá giải những điều không may
Nếu như Việt Nam có ngày cúng sao giải hạn thường diễn ra vào ngày mùng 8 Tết hàng năm thì đất nước Nhật Bản cũng có một lễ hội nổi tiếng với ý nghĩa tương tự. Lễ hội búp bê Hinamatsuri được các gia đình người Nhật thực hiện vào ngày 3/3 hàng năm.
Hinamatsuri là lễ hội búp bê dành cho các bé gái. Vào ngày này, các gia đình của Nhật Bản sẽ sắp xếp, bày biện những con búp bê truyền thống xinh xắn với ước mong các bé gái trong gia đình sẽ lớn lên khoẻ mạnh, bình an, thông minh, xinh đẹp.
Lễ hội búp bê có nguồn gốc từ thời Heian (794-1185), xuất phát từ tập tục trầm mình trong nước để làm sạch và xua đi những điều không tốt tồn đọng trong cơ thể. Những người Nhật có niềm tin rằng búp bê có tác dụng ngăn chặn sự tấn công của những linh hồn xấu. Trước đây họ tạo các búp bê từ rơm rồi thả trôi trên sông với hy vọng cuốn theo những điều xui rủi, mong bệnh tật tránh xa các em bé. Đây chính là xuất phát điểm của lễ hội búp bê sau này.
Ngay từ tháng 2, người Nhật đã bày búp bê ở trong gia đình, trước khi ngày lễ chính thức diễn ra. Điểm đặc biệt chính là sau khi lễ hội kết thúc thì người Nhật phải cất những con búp bê ngay lập tức. Bởi vì họ quan niệm nếu để búp bê đến 4/3 thì sau này các bé gái trưởng thành sẽ kết hôn muộn.
Các tấm thảm có sắc màu đỏ tươi thắm là nơi bày biện búp bê, theo các tầng bậc rõ ràng đúng trật tự theo nhiều tầng.
Tầng cao nhất là vị trí của búp bê vua và hoàng hậu với trang phục vô cùng đẹp đẽ. Phía sau trang trí các tấm bình phong bằng giấy vàng, ở bên cạnh là các đèn lồng đứng có hình hoa anh đào - tên gọi bonbori.
Tầng thứ hai có 3 búp bê cung nữ, hai người đứng, một người ngồi. Búp bê cung nữ giữ nhiệm vụ rót rượu sake cho vua cùng hoàng hậu.
Tầng ba gồm có 5 nhạc công. Trong tay họ có các nhạc cụ khác nhau như trống và sáo. Búp bê ca sĩ là búp bê nam cầm quạt ở trong tay phục vụ cho các buổi tiệc ở cung đình.
Tầng thứ tư có hai búp bê đại thần, một người già và một người trẻ tuổi, trong tay có mang cung tên.
Tầng thứ năm gồm 3 búp bê samurai với nhiệm vụ chính để bảo vệ sự an toàn cho vua và hoàng hậu.
Tầng 6 và 7 có rất nhiều đồ dùng xa hoa, sang trọng của cung đình.
Các tầng sáu và bảy được bày biện nhiều loại đồ dùng khác nhau, thể hiện sự sang trọng ở hoàng cung.
Tuy nhiên, không nhất thiết gia đình nào cũng cần trang trí đủ 7 tầng theo nghi thức mà có thể đơn giản hoá hơn bằng cách chỉ bày những tầng cơ bản, cần thiết nhất.
Tại lễ hội Hinamatsuri, các em bé Nhật Bản được thưởng thức rất nhiều món ăn truyền thống của lễ hội. Món bánh hishi-mochi được làm theo hình kim cương có sắc màu tươi tắn, biểu thị sức sống mãnh liệt của mùa xuân không thể vắng mặt trong lễ hội.
Ăn cùng với hishi-mochi là món bánh giòn hina-arare được làm từ nguyên liệu bột gạo có nhiều sắc màu đẹp đẽ.
Đồ uống đặc trưng được sử dụng trong lễ hội là rượu shirozake có nguồn gốc từ gạo lên men.
Bên cạnh đó, chirashizushi – một món cơm sushi được tạo nên từ nhiều nguyên liệu tươi ngon cũng được người dân Nhật Bản ăn trong dịp này. Canh nghêu được ăn với niềm tin rằng hai vỏ nghêu ghép lại biểu tượng cho một cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm.
Lễ hội búp bê dành cho các bé gái diễn ra vào 3/3 là một nét đẹp văn hoá truyền thống lâu năm được người dân Nhật Bản gìn giữ và lưu truyền.