A silent voice - Thanh âm của sự thinh lặng

Bộ phim “A silent voice” là một thành công lớn của dòng phim hoạt hình Nhật Bản được khán giả khắp nơi trên thế giới đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Phim từng được nhận đề cử “"Phim hoạt hình xuất sắc nhất" tại Giải Viện Hàn lâm Nhật Bản, giành chiến thắng trong Giải phê bình điện ảnh Nhật Bản lần thứ 26 và được các Bộ tại Nhật Bản khuyên người dân nên xem.

 

“A silent voice – Dáng hình thanh âm” được chuyển thể từ bộ truyện mangan nổi tiếng cùng tên ở xứ sở Phù Tang. Tuy bị giới hạn về mặt thời gian bởi là tác phẩm điện ảnh, song phim vẫn đủ sức nặng để đạt tới những giá trị mong muốn chuyển tải. Tác phẩm được khán giả Nhật Bản lẫn các nước trên thế giới ủng hộ mạnh mẽ.

 

Trước hết, thành công của tác phẩm đến từ sự tái hiện chân thực vấn nạn quen thuộc ở đất nước mặt trời mọc: bắt nạt học đường. Câu chuyện cô bé khiếm thính Shoko bị bắt nạt từ thời tiểu học là khởi điểm và trở thành sợi dây xuyên suốt gắn kết các nhân vật và tình huống. Cậu bé Shoya – kẻ từng đầu têu bắt nạt một ngày cũng trở thành nạn nhân bị xa lánh ở trường học. Cậu bé chỉ lặng lẽ một mình, không dám nhìn vào mắt của mọi người xung quanh qua biểu tượng hình ảnh những dấu nhân che kín các gương mặt. Khi cậu dám đối diện, nói chuyện, xóa bỏ khoảng cách với từng người thì các dấu nhân lần lượt rơi xuống để lộ khuôn diện của từng người. Có thể nói, đây là một cách biểu dụ rất ấn tượng, ý nghĩa của tác giả.

 

Phim tạo nên các tuyến nhân vật đa dạng: Shoko đáng thương luôn muốn hòa nhập mà không thể; Shoya “đầu gấu” với chuyển biến tâm lý rõ rệt, đậm nét cùng sự day dứt vì lỗi lầm; một cậu bạn thân mập ú tốt bụng; cô em gái mạnh mẽ đứng ra bảo vệ chị; cô bạn không chịu nhận lỗi dù từng bắt nạt Shoko; một cô gái giả tạo luôn tỏ ra tốt bụng mềm yếu trước mọi người,…

 

Sự chuyển biến tâm lý của Shoya cùng cách cậu chuộc lỗi, từng bước tìm cách xóa dần tổn thương cho Shoko là mạch chính của câu chuyện. Vì ân hận, vì bị xa lánh, cậu bé từng có lúc muốn tự tử. Cuối cùng, chính Shoya lại cứu Shoko khi cô tìm đến cái chết trong hoang mang. Một thực trạng nhức nhối đau lòng khi những đứa trẻ đứng giữa ngả đường mù mịt chỉ biết giải thoát bản thân bằng cái chết. Phim như một lời cảnh tỉnh, một lời kêu cứu bất lực, một “thanh âm lặng im” vô vọng không lời đáp, không biết đưa bàn tay bám bíu vào đâu hòng tím kiếm một sự giúp đỡ chân thành.

 

Bộ phim tái hiện những mảng màu sắc đối lập: sắc xám trầm, u ám của vấn nạn bắt nạt bạn học tương phản với hiệu ứng hình ảnh, ánh sáng rực rỡ, tuyệt đẹp của khung cảnh Nhật Bản nhuộm sắc hoa anh đào; vẻ âm u của tâm trạng buồn bã từ các nhân vật trong phim cũng đi liền với khung cảnh pháo hoa lung linh, huyền nhiệm,… Những hình ảnh sống động, như thực như mơ, vẫn luôn có sức mạnh thu hút khán giả. Một hình ảnh Nhật Bản yên bình với con đường hoa anh đào trải dài, những màn pháo hoa bung toả trên bầu trời cao như mang theo những mong ước về cuộc sống vẹn tròn niềm vui sau bao nỗi buồn… tất cả ẩn giấu phía sau đời sống biến động, u ám. Phim mang tính nhân văn với sự đề cao giá trị tình bạn, sự thay đổi nhận thức, tâm lý, rung cảm đầu đời đáng trân trọng, tái hiện nỗi sợ của những đứa trẻ trước thực tại, thức tỉnh mọi người quan tâm nhau nhiều hơn,…

 

Có thể với nhiều người, đây là một bộ phim khó xem bởi vậy, bạn cần kiên nhẫn để cảm nhận ý nghĩa ở tầng sâu của tác phẩm.

-HB-

Tin mới