Torri – cánh cổng linh thiêng của xứ sở mặt trời
Trong nền văn hoá Nhật Bản, Torri chính là biểu tượng của vẻ đẹp truyền thống linh thiêng, biểu tượng của sự huyền bí. Nếu như đặt chân đến xứ sở Phù Tang, tới các đền, chùa, các bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những chiếc cổng Torri màu đỏ rực rỡ này.
Những chiếc cổng Torri thường được làm từ chất liệu bằng gỗ nhưng sau này cổng được tạo nên bởi nhiều loại chất liệu khác như bê tông, đá, sắt, thép,… vững chắc hơn hẳn. Cổng Torri được thiết lập với các chi tiết vô cùng đơn giản, và chính yếu tố tối giản đó càng góp phần làm tăng vẻ đẹp cho khung cảnh, sự vật xung quanh.
Để được phép bước qua cánh cổng này, bạn nhất thiết phải thực hiện nghi thức rửa tay và ngậm nước để làm sạch cơ thể trước. Torri mang trong mình biểu tượng về sức mạnh linh thiêng, huyền bí nên mọi người gửi gắm rất nhiều niềm tin nơi đây cũng như dành tặng tiền để các đền chùa xây cổng.
Torri theo ý nghĩa Hán Việt có nghĩa là Điểu cư tức là nơi cư ngụ của loài chim. Torri thường được xây dựng tại các vị trí ở trên núi cao hoặc ở trong những khu rừng. Điều này bắt nguồn từ quan niệm của Thần đạo tin tưởng rằng núi cao, rừng sâu chính là nơi các vị thần trú ngụ.
Torri được dựng lên ở lối vào của đền thờ Shinto (Sandō), thể hiện ý nghĩa chuyển tiếp của thế giới phàm trần và cõi thần linh trên cao.
Trên đất nước Nhật Bản có khoảng trên 20 phong cách Torri khác biệt. Trên hai cột trụ của Torri, bạn sẽ nhìn thấy các sợi thừng được bện thành từ rơm rất tỉ mỉ, khéo léo có tên Shimenawa (Chú liên thừng). Khi bạn đi qua Torii và Shimenawa sẽ dẫn tới con đường có tên Sando (Tham đạo) từ đó dẫn bạn tới Jingu (Thần cung) – là địa điểm hành lễ của các tín đồ Thần Đạo.
Theo một số ghi chép, chiếc cổng Torri xuất hiện lần đầu ở nước Nhật là năm 922 tuy nhiên điều này vẫn chưa được khẳng định một cách chắc chắn nên nguồn gốc của Torri vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án.
Có giả thuyết cho rằng cổng Torri có nguồn gốc từ Torana là những chiếc cổng được thiết lập ở những đền thờ Hindu của Ấn Độ. Các tín đồ Phật giáo là những người đầu tiên sử dụng và sau đó chúng mới đi vào đất nước Nhật Bản.
Bên cạnh đó, cũng có giả thiết cho rằng Trung Quốc là đất nước bất nguồn cho lịch sử của Torri. Nguyên do là vì cổng Torri có hình dáng cũng như sắc màu khá giống với những chiếc cổng chào (Pailou) tại xứ sở Vạn Lý Trường Thành.
Ở Nhật Bản các đền Sandō thờ thần Inari vô cùng phổ biến. Lối vào tại những nơi này được tạo nên bởi hàng trăm chiếc cổng Torri sắp xếp gần sát bên nhau. Những chiếc cổng này thường do các mọi người hiến tặng cho đền, chùa, nhiều nhất là các gia đình doanh nhân nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc khi thần linh đã giúp cho việc kinh doanh của gia đình họ được thuận lợi.
Nếu đến đền thờ Fushimi Inaritaisha ở Kyoto bạn sẽ nhận thấy nơi này có vô số chiếc cổng Torri được dựng lên tại các lối vào. Trên từng chiếc cổng có ghi rõ họ tên, thời gian của những người hảo tâm đã quyên tặng.
Cổng Torri còn mang ý nghĩa tượng trưng cho một cuộc sống sung túc, đầy đủ, ấm no, hạnh phúc.
Nếu có cơ hội đến Nhật Bản, hãy dành thời gian đến Sandō để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Torri và hiểu thêm về một nét đẹp văn hoá của xứ sở Phù Tang.