7 sai lầm dễ mắc phải ở người mới bắt đầu học Tiếng Nhật

Chào các bạn, gần đây Nhật Ngữ Anon hay nhận được ý kiến của các bạn đọc là mặc dù đã học rất lâu nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc nghe nói tiếng Nhật. Hôm nay Nhật Ngữ Anon sẽ chỉ ra những lỗi phổ biến mà các bạn hay mắc phải khi bắt đầu học Tiếng Nhật.

 

 

1. Ngại bảng chữ cái Kanji

So với hai bảng chữ cái HiraganaKatakana thì Kanji luôn được coi là nỗi ám ảnh của người học Tiếng Nhật, đặc biệt là những người mới bắt đầu.

Kanji, ngoài việc đọc đã khó, việc viết lại càng trở nên khó khăn hơn vì bạn còn phải ghi nhớ nhiều cách đọc (âm On, âm Kun, âm Hán Việt) , thứ tự nét và bộ thủ,… những điều trên là chướng ngại vật lớn nhất khiến bạn dễ bỏ cuộc khi học tiếng nhật.

Tuy nhiên , bạn chỉ gặp khó khăn với Kanji khi mới bắt đầu. Thực tế khi bạn đã học Tiếng Nhật ở cấp độ cao hơn, việc xuất hiện Kanji trong câu thực chất lại giúp bạn đọc hiểu rất nhanh.

Không giống như một rừng chữ Kana không biết ngắt ở đâu, dừng ở đâu. Sự xuất hiện của Kanji khiến bạn dịch câu cũng nhanh hơn. Khi đó bạn thấy rõ đâu là trợ từ, đâu là danh từ, động từ rất rõ nét. Kanji cũng giúp văn bản ngắn gọn hơn rất nhiều.

anon-kanji

2. Lên giọng ở trợ từ

Lỗi này thường mắc phải ở các bạn học tiếng Nhật nhưng không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên và giao tiếp với Người Nhật.

Trong cách định hình cấu trúc câu của người Việt khi học Tiếng Nhật, trợ từ giống như một chỗ ngắt trong câu và nghĩ rằng cần nhấn mạnh nó khi nói. Thực ra điều này hoàn toàn không tự nhiên. Có lẽ do cách các giáo viên người Nhật cũng thường làm như thế để giúp học viên nghe dễ hiểu, chứ đó hoàn toàn không phải là cách họ nói chuyện hằng ngày.

Không có sách giáo khoa nào dạy điều này cả, nhưng hầu như mọi người đều cố ý thêm vào thanh sắc cho các trợ từ “e”, “ni”, “ga”. Để rồi khi phát âm lại thành “ế”, “ní”, “gá”.

Bạn cần cố gắng tập để đừng nhấn trợ từ, trong một số trường hợp đôi khi còn khiến gây hiểu lầm cho bạn đấy. Hãy chăm chú nghe cách người Nhật nói để có thể học được giọng điệu của chính họ. Nếu ngay từ sơ cấp, vấn đề này không được giải quyết, nó sẽ trở thành thói quen “kinh niên”.Thậm chí với một người Nhật có kinh nghiệm, dựa vào yếu tố nhấn trợ từ này mà họ không thể lầm lẫn được. Và họ hiểu ra ngay đó là “cách nói tiếng Nhật của người Việt”.

3. Bỏ qua  Akusento

Khi mới bắt đầu làm quen với tiếng Nhật, người học chỉ chú tâm đến việc ghi nhớ cách phát âm chữ Kana bằng cách bắt chước theo giọng điệu của giáo viên mà bỏ qua việc nhấn trọng âm. Việc này khiến người học nhấn sai trọng âm, hình thành thói quen không sửa được.Thậm chí là không hề biết đến khái niệm Akusento. Akusento nên được học song song cùng với hội thoại ngay từ lúc học viên học phát âm từng từ vựng Tiếng Nhật

Điều này cũng có yếu tố khách quan của nó, chẳng hạn như từ điển đại trà bày bán hiện nay chỉ tập trung vào ngữ nghĩa,Kanji và ví dụ, chứ cũng không có chú thích Akusento. Điều này đòi hỏi bạn tự tìm mua một phiên bản từ điển của Nhật nào đó chuyên về Akusento.

Tuy nhiên, bạn có thể serch google để tìm kiếm những ứng dụng hỗ trợ trong việc tra cứu AKUSENTO như từ điển trọng âm OJAD.

4. Không đầu tư thời gian nghe

"Tiếng Nhật nhanh như đọc rap" là phản hồi thường gặp nhất của những bạn mới học khi bắt đầu luyện nghe. Bạn không thể nghe kịp hết toàn bộ câu nói, nên việc hiểu nghĩa cũng không trọn vẹn ý.

Lời khuyên trong trường hợp này là dù không hiểu vẫn hãy cứ nghe. Cứ để âm thanh của những đoạn hội thoại, đoạn văn đó trong tâm trí bạn. Để bộ não làm quen dần với chúng. Cùng với thời gian, song song với việc kết hợp học về động từ, cấu trúc câu, từ vựng, việc nghe tiếng Nhật sẽ dần dần dễ dàng hơn với bạn.

Anon-nghe-tieng-nhat

Hãy bắt đầu từ những đoạn dễ đến khó dần, để tai bạn đủ thời gian để thích ứng với tiếng Nhật. Một kế hoạch luyện nghe có phương pháp; hoặc lựa chọn cho bạn một giáo trình nghe nào đó và theo đuổi nó là điều rất cần thiết cho bạn. 

5. Học tiếng Nhật theo kiểu thuộc lòng

Role Play( phân vai hội thoại) là một cách thức rất hay và hữu dụng để giúp bạn luyện giao tiếp Tiếng Nhật khi có người học chung. Thế nhưng, cách thức này sẽ trở nên mất tác dụng nếu bạn chỉ áp dụng nó như học vẹt không biết sử dụng nó có phương pháp.

Vấn đề ở đây đơn giản lắm, trong những câu hội thoại mà bạn nói, hãy linh động thay đổi nó thành một nội dung khác tương tự.

Ví dụ như bạn có thể thay đổi động từ, trạng từ, danh từ tiếng Nhật trong câu. Rồi sử dụng đoạn hội thoại mà mình tạo ra đó để Role Play.

Bạn sẽ vừa tự tin hơn, sáng tạo hơn và không thể nào quên được cách nói đó. Điều này còn có cái lợi, là giúp bạn định hình câu rất rõ ràng trong tâm trí khi nói tiếng Nhật, biết mình đang diễn đạt thành phần nào, ý nghĩa gì. Hoàn toàn khác với cách đọc thuộc lòng một câu có sẵn.

6. Học để tham gia các kỳ thi bằng cấp (JLPT)

Có thể vì sức ép bằng cấp buộc phải có N2 hay N3, v.v… cho công việc hoặc hồ sơ yêu cầu du học hay tu nghiệp mà bạn lựa chọn cho mình cách học tiếng Nhật chỉ để thi năng lực Nhật ngữ.

Tuy nhiên, bạn cần phân biệt điều này, học Tiếng Nhật để luyện thi năng lực Nhật ngữ khác với học tiếng Nhật như một ngôn ngữ nước ngoài để mình có thể hiểu và diễn đạt tốt nó.

Nếu bạn thi vào khoa tiếng Nhật, bạn sẽ được học về cách diễn đạt tiếng Việt; ngữ âm học; ngữ nghĩa học; cấu trúc, văn hoá. Nói chung bạn có được cơ hội tốt hơn. Nhưng phần đông các trung tâm tiếng Nhật chỉ hướng người học đến mục tiêu là đạt được N3 trong 6 tháng, hoặc N2 trong một năm, v.v… Như vậy, chẳng khác nào đưa học viên vào một lò luyện thi với những kĩ năng nghe hiểu, đọc hiểu, đánh trắc nghiệm chủ yếu là để thi JLPT chứ không phải để khám phá một ngôn ngữ như đúng bản chất của nó.

ky-thi-JLPT

Lời khuyên trong trường hợp này là, nếu bạn hoàn toàn quyết định học Tiếng Nhật nghiêm túc và không bị chi phối quá nhiều về yếu tố bằng cấp, hãy bắt đầu bằng những khoá căn bản (không phải cấp tốc hay luyện thi). Khi đã vững Tiếng Nhật , việc luyện thi của bạn sẽ có hiệu quả hơn.

7. Không phân phối đều các kỹ năng.

Cho dù đã học đến trung cấp, thượng cấp, nhưng nhiều bạn vẫn không thể nghe tốt dù có thể nói tốt, và viết tốt, rồi ngược lại. Các kĩ năng phát triển không đồng đều có thể vì lý do tính chất công việc. Nhưng một lý do khác không đáng có hơn đó là thói quen chú tâm vào một vài kĩ năng nào đó khi còn sơ cấp.

Có thể bạn chú tâm vào việc nói Tiếng Nhật nhưng lại không đầu tư đủ thời gian vào Kanji. Hoặc quá chú tâm vào viết Sakubun( bài luận) mà không luyện cho mình phản xạ khi giao tiếp. Cũng có thể bạn rất giỏi Kanji và đọc hiểu nhưng lại yếu về nghe hiểu. Những trường hợp như vậy phần nhiều là do lượng thời gian bạn đầu tư cho các kĩ năng không cân đối với khả năng hay sở thích của bạn. Bạn cần hiểu mình mạnh ở kĩ năng nào, và có kế hoạch đầu tư thời gian thích hợp. Khi khả năng tiếng Nhật của bạn mạnh dần, mọi kĩ năng cũng dần được hoàn thiện và đồng đều hơn.

 

Trên đây là 7 sai lầm dễ mắc phải ở người mới bắt đầu học Tiếng Nhật. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn dễ dàng có phương pháp học tiếng Nhật hiệu quả hơn. Nếu có thắc mắc hãy đặt câu hỏi cho Anon nhé!

Cập nhật những thông tin mới cùng Anon:

 

Facebook: https://www.facebook.com/anonvietnam.vn

 

* Websitehttps://anonvietnam.vn

 

Trường Nhật ngữ Anon- Anon Japanese School

Hotline: +1-657-232-0311

 

1590 Adams Avenue, Unit 1845 Costa Mesa, California, 92626, USA

 

Tin mới